Quản lý chất lượng công trình xây dựng góp phần đảm bảo an toàn cho người, tài sản, thiết bị, công trình và các công trình lân cận. Vậy trình tự thủ tục quản lý chất lượng công trình xây dựng được thực hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021(Gọi tắt là “Luật Xây dựng”);
- Nghị định số 06/201/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (Gọi tắt là “Nghị định 06/2021/NĐ-CP”);
- Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý vật liệu xây dựng (Gọi tắt là “Nghị định 09/2021/NĐ-CP”);
- Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Gọi tắt là “Nghị định 15/2021/NĐ-CP”);
- Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ (Gọi tắt là “Thông tư 10/2021/TT-BXD”);
- Thông tư số 174/2021/TT-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trong Bộ quốc phòng ( Gọi tắt là “Thông tư 174/2021/TT-BQP”).

Quản lý chất lượng công trình xây dựng là gì?
Chất lượng công trình xây dựng là những yêu cầu về an toàn, bền vững, kỹ thuật và mỹ thuật công trình nhưng phải phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hợp đồng kinh tế.
Để đảm bảo công trình xây dựng có chất lượng như mong muốn, năng lực quản lý (của chính quyền, của nhà đầu tư) được coi là yếu tố cơ bản nhất.
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, quản lý chất lượng công trình xây dựng được định nghĩa là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng công trình và khai thác, sử dụng công trình nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của công trình.
Như vậy, hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng sẽ được thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng công trình và khai thác, sử dụng công trình.
Đồng thời, căn cứ Khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, có thể thấy, quản lý chất lượng công trình xây dựng là một nội dung trong quản lý thi công xây dựng công trình. Do đó, nội dung quản lý chất lượng công trình xây dựng sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trình tự, thủ tục quản lý chất lượng công trình xây dựng

Trước đây, trình tự thủ tục quản lý chất lượng công trình xây dựng được quy định thành một điều luật riêng. Cụ thể được quy định tại Điều 23 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Gọi tắt là “Nghị định 46/2015/NĐ-CP”).
Tuy nhiên, Nghị định 06/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 46/2015/NĐ-CP), quy định trình tự thủ tục về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã không còn được quy định thành một điều luật riêng. Thay vào đó được quy định chung với trình tự quản lý thi công xây dựng công trình tại Điều 11 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Theo đó, trình tự, thủ tục quản lý chất lượng công trình xây dựng được quy định như sau:
Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng, thực hiện việc quản lý công trường xây dựng
Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, quản lý công trường xây dựng theo quy định.
Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu hiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng
Căn cứ Điều 12 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng sẽ được quy định cho từng chủ thể, bao gồm: (i) Trách nhiệm của nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng đã là hàng hóa trên thị trường; (ii) nhà thầu chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng theo yêu cầu riêng của thiết kế; và (iii) bên giao thầu được quy định lần lượt tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 12 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Lưu ý: Trường hợp có thay đổi chủng loại, nguồn gốc xuất xứ vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng phải đảm bảo:
- Các vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được thay thế phải đáp ứng được yêu cầu thiết kế, phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và được chủ đầu tư chấp thuận, phê duyệt theo quy định của hợp đồng;
- Đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công, nếu việc thay đổi dẫn đến điều chỉnh dự án thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu
Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan để việc thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thiết kế và mục tiêu đề ra.
Trách nhiệm tổ chức quản lý thi công xây dựng công trình thuộc chủ đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư có thể ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án thực hiện một hoặc một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý thi công xây dựng công trình và phải được thể hiện bằng văn bản.
Giám sát thi công xây dựng công trình
Để đảm bảo chất lượng công trình, công trình xây dựng phải được giám sát trong quá trình thi công. Nội dung thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 16 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình
Nhà thầu lập thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định trong hợp đồng xây dựng. Nội dung giám sát tác giả thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Thí nghiệm, kiểm tra khả năng chịu lực của công trình xây dựng

Căn cứ Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, thí nghiệm đối chứng trong quá trình thi công xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Được quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật, hợp đồng xây dựng;
- Khi vật liệu, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình hoặc công trình được thi công xây dựng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế;
- Theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Kiểm định xây dựng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Được quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật, hợp đồng xây dựng;
- Khi công trình đã được thi công xây dựng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thiết kế hoặc không đủ các căn cứ để đánh giá chất lượng, nghiệm thu;
- Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP);
- Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu;
- Khi công trình hết tuổi thọ thiết kế mà chủ sở hữu công trình có nhu cầu tiếp tục sử dụng;
- Khi công trình đang khai thác, sử dụng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn;
- Kiểm định xây dựng công trình phục vụ công tác bảo trì.
Nội dung kiểm định xây dựng thực hiện theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan được tự thỏa thuận về việc tổ chức nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng trong các trường hợp sau:
- Khi kết thúc một giai đoạn thi công hoặc một bộ phận công trình cần phải thực hiện kiểm tra, nghiệm thu để đánh giá chất lượng trước khi chuyển sang giai đoạn thi công tiếp theo;
- Khi kết thúc một gói thầu xây dựng.
Việc nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng được thực hiện trên cơ sở xem xét kết quả các công việc đã được nghiệm thu; các kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng và các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật có liên quan trong giai đoạn thi công xây dựng để đánh giá các điều kiện nghiệm thu theo thỏa thuận giữa các bên.
Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan được tự thỏa thuận về thời điểm tổ chức nghiệm thu, trình tự, nội dung, điều kiện và thành phần tham gia nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản.

Nghiệm thu hạng mục công trình
Trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức và trực tiếp tham gia nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hạng mục công trình, công trình xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Các công việc xây dựng đã được thi công đầy đủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt;
- Công tác nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận, giai đoạn trong quá trình thi công được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật;
- Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan.
Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan thỏa thuận về thời điểm nghiệm thu, trình tự và nội dung nghiệm thu; kết quả nghiệm thu phải được xác nhận bằng biên bản.
Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng
Các công trình xây dựng sau đây phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình bao gồm:
- Công trình xây dựng thuộc dự án quan trọng quốc gia; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo quy định tại Phụ lục VIII Nghị định 06/2021/NĐ-CP;
- Công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công;
- Công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng ngoài các công trình đã nêu trên.
Thẩm quyền kiểm tra, nội dung và trình tự thủ tục kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình
Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành. Theo đó, hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập một lần chung cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình (hạng mục công trình) thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng cùng một thời điểm.
Trường hợp các công trình (hạng mục công trình) của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng ở thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng công trình (hạng mục công trình) này.
Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng; các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện. Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp. Riêng công trình nhà ở và công trình di tích, việc lưu trữ hồ sơ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về di sản văn hóa.
Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 10 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm A, 07 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm B và 05 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm C kể từ khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.
Hoàn trả mặt bằng
Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao, trừ trường hợp trong hợp đồng xây dựng có thỏa thuận khác (Khoản 6 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP).
Bàn giao công trình xây dựng
Chủ đầu tư công trình xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận bàn giao công trình theo đúng hợp đồng đã ký kết với nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư không đồng thời là người quản lý sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao công trình xây dựng cho chủ quản lý sử dụng công trình sau khi đã tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng.
Việc bàn giao công trình xây dựng phải được lập thành biên bản.
Khi bàn giao công trình xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải giao cho chủ đầu tư các tài liệu gồm bản vẽ hoàn công, quy trình hướng dẫn vận hành, quy trình bảo trì công trình, danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế và các tài liệu cần thiết khác có liên quan.

Trong quá trình xây dựng, quản lý chất lượng công trình đóng vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo được chất lượng, kỹ thuật và thẩm mỹ của công trình. Để quá trình quản lý diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần thực hiện đúng yêu cầu, chỉ dẫn do bên thiết kế cùng với quy định của công trình thi công, cuối cùng cần nghiệm thu các hạng mục công trình xây dựng.
Trên đây là nội dung bài viết liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với bạn đọc.
💡 Hãy đọc thêm bài viết dưới đây, nó có thể cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan có ích cho bạn