Quy hoạch 1/500 là yếu tố vô cùng quan trọng đối với các dự án xây dựng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thủ tục xin quy hoạch 1/500. Vì vậy để hiểu rõ hơn trình tự, thủ tục này hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Phân biệt quy hoạch chi tiết 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500

Quy hoạch chi tiết 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 là hai bản quy hoạch được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai bản quy hoạch này với nhau. Có thể phân biệt quy hoạch chi tiết 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 dựa trên các tiêu chí sau:
Nơi thực hiện
- Quy hoạch 1/2000 do địa phương nơi có dự án, công trình xây dựng thực hiện.
- Quy hoạch 1/500 do các cơ quan, doanh nghiệp, công ty bất động sản thực hiện cho các dự án đầu tư xây dựng.
Mục đích lấy ý kiến
- Đối với bản quy hoạch chi tiết 1/500, mục đích chính được hướng đến những vấn đề cụ thể, xác thực từ phía chủ đầu tư trước khi thực hiện dự án để khách hàng và các nhà đầu tư hiểu rõ.
- Đối với bản quy hoạch 1/2000, các đơn vị thực hiện sẽ tiến hành lấy ý kiến từ các đơn vị chức năng hoặc cơ quan có thẩm quyền để định hướng một cách cụ thể và rõ nét cho việc xây dựng bản quy hoạch.
Đồ án quy hoạch
- Đối với bản quy hoạch 1/500 sẽ thường được gọi là đồ án quy hoạch xây dựng.
- Đối với bản quy hoạch 1/2000 thường được biết đến với tên gọi là đồ án quy hoạch chi tiết.
Điều kiện xin phê duyệt quy hoạch 1/500

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những dự án có quy mô, diện tích đất xây dựng dưới 5ha hoặc dự án nhà ở được xây dựng thành các khu chung cư có diện tích khoảng 2ha thì không nhất thiết phải có quy hoạch 1/500.
Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng vẫn phải đảm bảo các điều kiện về mặt tổng thể của dự án như mặt bằng xây dựng, hệ thống công trình tiện ích, cơ sở giao thông hạ tầng … Tất cả những yếu tố này phải phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, đối với các công trình đơn lẻ, chủ đầu tư cũng không cần phải thực hiện bản quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, bạn phải có bản quy hoạch chi tiết 1/2000 về công trình của mình sẽ triển khai thực hiện.
Ngược lại, đối với những dự án có quy mô mặt bằng xây dựng trên 5ha (và 2ha đối với nhà chung cư), bắt buộc chủ đầu tư dự án, công trình phải có bản quy hoạch chi tiết 1/500. Việc thực hiện bản quy hoạch 1/500 phải dựa trên bản quy hoạch 1/2000 đã được cơ quan nhà nước thông qua.
Thủ tục xin quy hoạch 1/500 như thế nào?
Để quy hoạch 1/500 được thông qua, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch 1/500 tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, hồ sơ và thủ tục thực hiện sẽ như sau:
Hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch 1/500 gồm những gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, với các dự án cần xin xét duyệt quy hoạch thì chủ đầu tư cần lập hồ sơ xin quy hoạch 1/500, tạo cơ sở cho việc xét duyệt quy hoạch. Hồ sơ xin quy hoạch 1/500 gồm các giấy tờ sau:
- Tờ trình đề nghị thẩm định, phê duyệt của Chủ đầu tư (bản chính);
- Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (bản sao hoặc bản sao có chứng thực);
- Quyết định cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm lập quy hoạch (bản sao hoặc bản sao có chứng thực);
- Quyết định lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch của cấp có thẩm quyền kèm theo hồ sơ năng lực của đơn vị và chứng chỉ hành nghề của chủ trì đồ án và các bộ môn có liên quan (bản sao hoặc bản sao có chứng thực);
- Văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch (bản sao hoặc bản sao có chứng thực);
- Bản vẽ quy hoạch: Đầy đủ theo quy định về thành phần và tỷ lệ (bản vẽ phải được ký, đóng dấu và thể hiện trên nền bản đồ địa hình có tỷ lệ tương ứng), bao gồm: Sơ đồ vị trí và giới hạn khu đất, tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000; Bản đồ hiện trạng kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội và đánh giá đất xây dựng, tỷ lệ 1/5.00; Các bản đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ 1/5.00; Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, tỷ lệ 1/500; Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, tỷ lệ 1/500; Bản đồ chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và hành lang bảo vệ các tuyến hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ 1/500; Các bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ 1/500; Bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật, tỷ lệ 1/500.
- Thuyết minh đồ án quy hoạch kèm theo bản vẽ thu nhỏ khổ A3, bảng biểu thống kê, phụ lục tính toán và các văn bản pháp lý liên quan;
- Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch;
- Dự thảo văn bản thẩm định và quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch;
- 01 đĩa CD copy toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch chi tiết.
Trình tự xin quy hoạch 1/500

Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép quy hoạch 1/500 gồm những bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền xét duyệt theo quy định. Theo đó, tùy theo tính chất và quy mô của dự án, thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Bộ Xây dựng phê phê duyệt đồ án quy hoạch theo tỷ lệ 1/500 đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của thủ tướng chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đồ án quy hoạch theo tỷ lệ 1/500 thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đồ án thuộc quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn.
Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ
Đơn vị tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ nếu đầy đủ sẽ làm giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, căn cứ vào yêu cầu quản lý, kiểm soát phát triển của đô thị, quy định quản lý theo quy hoạch đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, đề xuất của chủ đầu tư, cơ quan quản lý quy hoạch các cấp có trách nhiệm xem xét hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch về nội dung giấy phép quy hoạch. Thời gian thẩm định hồ sơ và lấy ý kiến lqr không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Nhận kết quả
Trường hợp, hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định Cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp giấy phép quy hoạch trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định cấp giấy phép quy hoạch của cơ quan quản lý quy hoạch các cấp. Trường hợp, hồ sơ thiếu sót sẽ được trả lại để bổ sung và xin xét duyệt lại.
Trên đây là những thông tin cần biết về thủ tục xin quy hoạch 1/500 mà chúng tôi tổng hợp và gửi đến bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
💡 Hãy đọc thêm bài viết dưới đây, nó có thể cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan có ích cho bạn