Tuy là một nước nhỏ nhưng Việt Nam có tới 63 tỉnh, thành. Vậy trong số đó tỉnh có diện tích rộng nhất Việt Nam là tỉnh nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Đâu là tỉnh có diện tích rộng nhất nhất Việt Nam?
Với diện tích khoảng 16.493,7 km2, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất Việt Nam. Theo đó, Nghệ An chiếm 4.97% diện tích cả nước và gấp 20 lần so với tỉnh có diện tích nhỏ nhất là Bắc Ninh (822 km2 ).
Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh rộng nhất việt Nam
Theo các di chỉ thuộc Văn hóa Quỳnh Văn thuộc thời kỳ đồ đá được phát hiện tại Quỳnh Thư vào khoảng những năm 1930 cho thấy, Nghệ An là một vùng đất có lịch sử định cư lâu đời.
Theo đó, khu vực này đã được định cư bởi nhóm cư dân ven biển làm đồ gốm, thuần dưỡng súc vật cách đây khoảng 6.000 năm. Nghệ An cũng là địa bàn sinh sống của cư dân Đông Sơn với di chỉ Làng Vạc. Vào năm 1991, tại đây phát hiện được tổng cộng 347 ngôi mộ. Làng Vạc là khu mộ táng lớn nhất, có mật độ cao nhất trong văn hóa Đông Sơn.
Theo cổ tích Hùng Vương thì Nghệ An và Hà Tĩnh vốn thuộc nước Việt Thường, kinh đô là vùng chân núi Hồng Lĩnh. Đến thời Hùng Vương thì trở thành bộ Hoài Hoan và bộ Cửu Đức trong 15 bộ của nước Văn Lang.
Đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất Nghệ An lần lượt thuộc các quận Cửu Chân, Cửu Đức của nhà Hán, nhà Đông Ngô, nhà Tấn và Lưu Tống. Đến nhà Lương (502-557) Nghệ An được chia làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu.
Năm 598, Nhà Tùy đổi Đức Châu làm Hoan Châu, Lỵ Châu làm Trí Châu. Năm 607 hợp cả Minh Châu, Trí Châu và Hoan Châu thuộc quận Nhật Nam.
Đến năm 618, nhà Đường chia quận Nhật Nam làm Đức Châu, Lạo Châu, Minh Châu và Hoan Châu. Năm 627 đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu. Trong thế kỷ 8, Nghệ An là địa bàn chính của khởi nghĩa Mai Hắc Đế chống lại nhà Đường. Ông xây thành Vạn An ở Sa Nam (Nam Đàn, Nghệ An).
Thời kỳ độc lập tự chủ, Nhà Ngô, Nhà Đinh và nhà Tiền Lê đều gọi Nghệ An là Hoan Châu. Nhà Lý thì đổi làm trại nên gọi là Nghệ An châu trại. Năm Thiên Thành thứ 2 (1030) đổi tên thành Nghệ An châu. Còn Diễn Châu thì đứng riêng làm một châu.
Năm 1357, nhà Trần lập ra Diễn Châu Lộ, chia Hoan Châu làm 4 lộ: Nhật Nam, Nghệ An Nam, Nghệ An Bắc, Nghệ An Trung (còn gọi là Nghệ An Phủ). Năm 1285, trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã dựa và nguồn nhân lực hùng hậu của vùng đất này để đánh bại quân xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, năm 1424, Lê Lợi tiến quân vào xứ Nghệ, lập đại bản doanh ở đây trong bốn năm. Năm 1428, nhà Lê lập đạo Hải Tây, sau đặt làm Nghệ An thừa tuyên.
Năm 1490 đổi làm xứ: Xứ Nghệ. Trong thời kỳ Nội chiến Lê Mạc, Nghệ An là địa bàn tranh giành ác liệt giữa nhà Mạc và nhà Lê. Nhà Mạc thường xuyên dùng thủy quân tiến công bọc hậu vào địa bàn Thanh Hóa của các vua Lê.
Năm 1535, Mạc Đăng Lượng và em Mạc Đăng Hào đưa hơn một vạn quân vào trấn thủ đất Hoan Châu.
Đến thời nhà Tây Sơn xứ Nghệ được đổi làm Trung Đô. Hoàng đế Quang Trung cho xây Phượng Hoàng Trung Đô ở thành phố Vinh ngày nay, với ý định đặt thủ đô của Việt Nam tại đây, thay thế kinh đô Phú Xuân. Tuy nhiên dự án này chìm vào quên lãng khi ông qua đời.
Thời nhà Nguyễn đặt làm Nghệ An trấn. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), chia Nghệ An trấn thành hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã cắt một số các phủ huyện thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc xứ Trung Kỳ cho Lào thuộc Pháp vào các năm 1895 và 1903, bao gồm các vùng: phủ Trấn Biên (khoảng phía Đông Nam tỉnh Hủa Phăn), phủ Trấn Ninh (Xiêng Khoảng), phủ Trấn Định (Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn)…
Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Nghệ Tĩnh tách lại thành Nghệ An và Hà Tĩnh và duy trì cho đến ngày nay.
Một vài nét về đặc điểm tự nhiên của tỉnh rộng nhất Việt Nam
Nghệ An thuộc vùng Bắc Trung Bộ, là quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nghệ An có địa hình vô cùng đa dạng từ núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển.
Vị trí địa lý
Nghệ An nằm ở trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trong đó, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa. Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh. Phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển.
Đơn vị hành chính
Tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương gồm:
- 01 thành phố là thành phố Vinh;
- 03 thị xã là thị xã Thái Hòa, Cửa Lò và Hoàng Mai;
- 17 huyện gồm các huyện Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quế Phong, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn, Đô Lương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương.
Địa hình
Nghệ An có địa hình đa dạng, phức tạp và bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông suối. Có thể nói, Nghệ An được xem như một Việt Nam thu nhỏ với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển.
Trong đó, đồi núi chiếm 83% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Pulaileng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành. Có nơi chỉ cao đến 0,2 m so với mặt nước biển, đó là xã Quỳnh Thanh huyện Quỳnh Lưu.
Nghệ An có bờ biển dài 82km, với các địa phương ven biển là huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò và Thị xã Hoàng Mai. Vùng biển Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục Bắc Nam và Đông Tây của miền Trung.
Với diện tích rộng lớn và địa hình thuận lợi, nơi đây hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa.
Khí hậu
Khí hậu Nghệ An có phần khắc nghiệt. Nguyên nhân là do Nghệ An chịu ảnh hưởng của bão và gió Tây Nam. Điều này gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu sự tác động trực tiếp của gió mùa Tây – Nam khô và nóng (từ tháng 4 đến tháng 8) và gió mùa Đông Bắc lạnh, ẩm ướt (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau). Trung bình mỗi năm Nghệ An hứng chịu 2-3 cơn bão gây ra lũ lụt.
Nắng nóng ở đây thường kéo dài và lên đến mức nhiệt cao nhất cả nước. Vào mùa đông, các huyện vùng núi của Nghệ An thường xuất hiện sương muối ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất của người dân.
Vài nét về kinh tế, văn hóa – xã hội Nghệ An
Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Nếu phát huy tốt những tiềm năng, ưu thế vốn có thì tin chắc rằng Nghệ An sẽ vươn mình mạnh mẽ, trở thành tỉnh khá trên toàn quốc.
Dân cư
Theo số liệu thống kê năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An là 3.365.198 người, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (với 84,5%). Mật độ dân số 204 người/km².
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm đại đa số dân cư của tỉnh, phân bố rộng khắp nhưng tập trung đông nhất ở vùng đồng bằng và ven biển.
Các dân tộc thiểu số chiếm một phần tư dân số toàn tỉnh. Trong đó có các dân tộc phổ biến như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống tập trung ở các huyện miền núi và trung du như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp…
Kinh tế
Mặc dù địa hình gặp nhiều khó khăn nhưng Nghệ An vẫn cố gắng vươn lên phát triển kinh tế. Nghệ An có nền kinh tế đa dạng, từ nông, lâm nghiệp và thủy sản đến công nghiệp, xây dựng và du lịch.
Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền Myanmar, Việt Nam và biển Đông theo đường 7 đến cảng Cửa Lò. Bên cạnh đó, tỉnh này còn nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế. Nhờ đó, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa với cả nước và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Văn hóa – xã hội
Nghệ An luôn được đánh giá là mảnh đất với những giá trị truyền thống tốt đẹp đặc trưng cho bản sắc dân tộc Việt. Nhắc đến Nghệ An không thể không nhắc đến những làn điệu dân ca ví dặm, câu hò xứ Nghệ gây thương nhớ.
Bên cạnh đó là vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ gây ấn tượng với du khách. Sự chống chọi với điều kiện địa lý khắc nghiệt đã làm nên tính cách con người Nghệ An đầy cứng cỏi, bền bỉ và thái độ lạc quan trong cuộc sống.
Ngoài ra, Nghệ An còn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và là cái nôi của những bậc hiền tài từ xưa tới nay. Trong đó, không thể không nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta, một người con xứ Nghệ đã làm thay đổi vận mệnh của đất nước.
Du lịch
Cùng với điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú về địa hình nên Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, phía Tây Nghệ An là các khu du lịch gắn liền với các khu bảo tồn thiên nhiên, như Pù Mát, Pù Huống, hoặc các danh thắng tự nhiên như thác Sao Va, thác Khe Kèm…
Phía Đông Nghệ An là một loạt các bãi tắm đẹp trải dài từ bãi Quỳnh Phương – Quỳnh Lưu đến Diễn Thành – Diễn Châu, Cửa Hiền – Nghi Lộc và nổi tiếng hơn cả là bãi biển Cửa Lò.
Đến Nghệ An không thể không nhắc đến Nam Đàn, vùng đất “địa linh nhân kiệt” – cái nôi của phong trào yêu nước, quê hương của Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Minh,….
Ở Nam Đàn có các di tích, danh lam thắng cảnh gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những đóng góp to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Bến Sa Nam; Đền thờ, Mộ vua Mai; Nhà lưu niệm Cụ Phan Bội Châu; Dấu tích của thành Lục Niên; Khu mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; Núi Chung… và đặc biệt là Khu di tích Kim Liên, quê nội của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Còn thành phố Vinh thu hút khách du lịch bởi một loạt quần thể du lịch với những nét đặc trưng tiêu biểu của một đô thị xứ Nghệ như: Quảng trường Hồ Chí Minh; lâm viên núi Quyết, rừng Bần Tràm chim Hưng Hoà; Bảo tàng Xô viết-Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An; Công viên Nguyễn Tất Thành, Công viên Trung tâm, Khu vui chơi giải trí du lịch Hồ Cửa Nam.
Trên đây là những thông tin về Nghệ An – tỉnh có diện tích rộng nhất Việt Nam. Hi vọng qua bài viết này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người nơi đây.