Tứ linh cụm từ không còn quá xa lạ đối với người dân Đông Nam Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Nhắc đến Tứ linh người ta thường nghĩ ngay tới những con linh vật: Long, Lân, Quy, Phụng. Song Tứ linh có nguồn gốc từ đâu, mang ý nghĩa như thế nào không phải ai cũng biết. Để giải đáp những thắc mắc đó, hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Tứ linh là gì?
Theo từ điển bách khoa toàn thư, Tứ linh còn được gọi là tứ thụy, là bốn loài linh thú lớn trong thần thoại Trung Hoa và văn hóa của các nước phương Đông, bao gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Chúng mang ý nghĩa biểu tượng cho sự cao sang, quyền quý, đồng thời đây cũng là vật phẩm phong thủy có giá trị cao, mang đến giá trị tâm linh vô cùng lớn cho các gia đình.
Hình ảnh Tứ linh cũng mang giá trị nghệ thuật rất cao bởi độ tinh xảo tuyệt đối. Do đó, từ lâu nó sớm đã được sử dụng trong việc trang trí, điêu khắc chùa chiền, kinh đô hay các trụ cột….
Nguồn gốc hình thành Tứ linh
Tứ linh hay còn gọi là Long, Lân, Quy, Phụng được bắt nguồn và hình thành từ bốn linh thần trong tứ tượng của Trung Hoa là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước.
Tứ linh được người xưa tạo ra từ bốn chòm sao cùng tên ở bốn phương trời. Bốn linh thần này đại điện cho 4 nguyên tố chính là nước, lửa, đất và gió. Và mỗi vị thần sẽ có những quyền năng riêng và có nhiệm vụ canh giữ 7 trong 28 chòm sao trong thiên văn Trung Hoa.
Là một nước chịu ảnh hưởng của nền văn Trung Hoa, ở nước ta Tứ linh luôn được coi là những vị thần đem đến sự may mắn và tốt lành. Hình tượng Tứ linh được sử dụng và khắc họa khá phổ biến trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam từ kinh đô, chùa chiền cho đến nhà dân như một hiện trạng sống động của 4 linh vật này trong tâm thức người Việt.
Ý nghĩa của Tứ linh
Nếu như tứ tượng Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước trong truyền thuyết Trung Hoa, mỗi linh vật đại diện cho một sức mạnh, ý nghĩa riêng thì Tứ linh cũng vậy. Trong tâm thức của người Việt Long, Lân, Quy, Phụng ngoài việc là những vị thần may mắn, có sức mạnh phi thường thì chúng còn mang ý nghĩa nghĩa biểu trưng riêng. Cụ thể như sau:
Long (Rồng)
Rồng trong truyền thuyết được coi là con vật của trời, có quyền năng tối cao hơn các loài vật khác. Sự xuất hiện của Rồng được quan niệm là mang lại điều tốt lành, may mắn, thuận lợi và bình an. Đặc biệt người xưa còn cho rằng rồng là sứ giả để con người có thể gửi gắm những ước nguyện của cuộc sống như cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi….
Rồng là con vật đứng đầu trong Tứ linh và là con vật có quyền uy nhất trong 4 con linh vật. Từ xa xưa nó đã trở thành biểu tượng của đế vương. Do đó trên quần áo của vua chúa và hoàng tộc thường có thêu hình rồng bằng vàng để thể hiện thiên mệnh con trời có quyền lực tối cao.
Bên cạnh đó, theo dân gian Rồng còn là vị thần hô mưa, gọi gió mang lại mùa màng tươi tốt. Người nông dân tin rằng nếu thờ phụng Rồng sẽ mang đến một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy, trong tín ngưỡng văn hóa người Á Châu mỗi khi hạn hán mất mùa vua thường đại diện cho toàn bộ người dân làm lễ cầu mưa tại miếu Long Vương.
Trong phong thủy Rồng được mệnh danh là linh vật mang nhiều nguồn sức mạnh sinh khí dồi dào, là linh vật hội tụ đầy đủ quyền uy của vũ trụ. Vậy nên nếu xây dựng nhà cửa, khai hoang đất đai, làm mồ mả…. ở những vùng đất long mạch vượng khí sẽ đem lại nhiều may mắn, phúc đức cho con cháu hậu thế.
Ngoài ra, hình tượng rồng còn thể hiện sự quyền uy giúp cho sự nghiệp thăng tiến. Chính vì vậy rất nhiều người làm chính trị, giữ vị trí cao thường hay đặt biểu tượng Rồng tại bàn làm việc của mình. Đặc biệt trong chuyện tình cảm Rồng và Phượng khi kết hợp với nhau sẽ giúp cho các cặp đôi có tình cảm viên mãn, lứa đôi hạnh phúc.
Mặc dù là linh vật mang nhiều ý nghĩa tốt lành và may mắn. Nhưng Rồng thực chất không phải là một con vật có thật mà là sản phẩm của tưởng tượng, nghệ thuật và niềm tin mãnh liệt. Hình tượng của Rồng bao gồm sự kết hợp của các loài: thân rắn, đùi thằn lằn, móng vuốt của chim ưng, đuôi rắn, sừng hươu, vẩy cá.
Lân (Kỳ Lân)
Giống như Long (Rồng), Lân cũng là linh vật không có thật, là sản phẩm từ trí tưởng tượng của con người. Lân là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho sự nguy nga tráng lệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc lớn lao.
Trong Tứ linh, kỳ lân là linh vật đứng thứ hai xuất hiện sau Rồng. Theo tín ngưỡng dân gian sự xuất hiện của Kỳ Lân báo hiệu điềm lành, thái bình thịnh vượng sắp tới.
Mặc dù có dáng vẻ kỳ dị đầu rồng thân thú, mình vằn, đuôi giống đuôi trâu và trên đầu có một cái sừng ….nhưng linh vật này tính tình lại rất hiền lành.
Kỳ Lân mang trong mình tất cả những phẩm chất đặc trưng của một con vật nhân từ. Theo truyền thuyết, khi di chuyển nó luôn tránh giẫm lên các loại côn trùng hay cỏ mềm dưới chân mình.
Loài Lân không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào, đặc biệt nó không bao giờ uống nước bẩn và chỉ ăn cỏ, nên còn có tên gọi khác là Nhân thú.
Tương truyền, Kỳ lân cái gọi là Lân, Kỳ lân đực gọi là Kỳ nên chúng được gọi chung là Kỳ Lân.
Trong phong thủy, Kỳ Lân dùng để trấn trạch giúp hóa hung thành cát, hóa giải những vùng đất xấu không thịnh. Thế nên chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh đôi Lân miệng há to trấn áp mọi hung khí vào nhà và đứng canh giữ cửa nhà để giúp mang lại bình an cho gia chủ.
Quy (Rùa)
Quy hay còn được gọi là Rùa, là con vật duy nhất có thật trong Tứ linh. Rùa là linh vật biểu tượng của sức khỏe dồi dào và sống trường thọ. Bởi lẽ như chúng ta đã biết Rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và thân hình chắc chắn. Nó có thể nhịn ăn uống mà vẫn sống trong khoảng thời gian rất là dài.
Về mặt phong thủy, Rùa biểu hiện tinh thần thanh cao và sự thoát tục nên từ xa xưa Rùa đã trở thành linh vật linh thiêng không thể thiếu tại các đền chùa. Ta vẫn thường thấy trên bàn thờ ở các đền chùa hình ảnh rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh thơm ngát và thanh tịnh….
Đồng thời Rùa cũng xuất hiện trong rất nhiều truyền thuyết. Nổi tiếng nhất là câu truyện Thần Kim Quy giúp vua An Dương Vương xây dựng và bảo vệ thành Cổ Loa.
Ngoài ra, Rùa còn được biết đến là biểu tượng cho sự trường tồn bất diệt được xem như sự hội tụ của trời đất, âm dương. Bụng rùa tượng trưng cho mặt đất và mai rùa hình vòm tượng trưng cho vòm trời nên trong phong thủy Rùa thường được kết hợp với Rắn hoặc rùa đầu rồng để tạo nên một linh vật thiêng liêng.
Ở nước ta, từ xưa đến nay Rùa luôn là con vật linh thiêng trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Họ luôn tâm niệm Rùa cùng với ba con linh vật trong Tứ linh là những con vật may mắn, mang đến nhiều sự tốt lành.
Phụng (Phượng hoàng)
Nhắc đến sự bất tử và tái sinh, người ta không thể không nhắc đến một loài chim chỉ có trong truyền thuyết là Phụng.
Phụng hay còn gọi là Phượng hoàng là một trong bốn Tứ linh và là vua của các loài chim. Phụng hội tụ những vẻ đẹp nhất của các loài chim như đầu gà, cổ cao như chim hạc, mỏ dài như diều hâu, tóc như chim trĩ, đuôi rực rỡ như chim công và vảy của cá chép với thân hình cao sáu thước, mắt sáng như ngọn lửa.
Theo truyền thuyết kể lại, Phượng hoàng chỉ xuất hiện ở thời kì thịnh vượng. Phượng Hoàng mang trong mình sức mạnh phi thường, dòng dõi cao quý nên chúng thường sống ẩn mình ở những ngọn núi cao, phong cảnh tuyệt đẹp, người thường khó có thể nhìn thấy.
Ở phương diện phong thủy Phượng Hoàng được xem là biểu tượng của sự duyên dáng, đức hạnh và biểu tượng cho sự hòa hợp âm dương. Nếu như xưa kia Rồng là biểu tượng của vua chúa, thì Phượng Hoàng được coi là biểu tượng của hoàng hậu. Do vậy khi Phượng Hoàng kết hợp cùng Rồng được coi là cặp đôi đại diện cho hạnh phúc, may mắn, sức khỏe dài lâu.
Ngoài ra, Phượng Hoàng còn là linh vật linh thiêng xuất hiện trong nhiều tôn giáo khác nhau nên nó còn đại diện cho hành hóa. Đặc biệt, mọi người thường đặt hình ảnh Phượng hoàng tại cung tài hoặc cung danh vọng để đem đến nhiều may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Cho nên Phượng còn là biểu tượng của sự thánh nhân và hạnh phúc bền lâu.
Và một điều quan trọng nữa không thể không nhắc đến khi nói về Phượng hoàng đó là con vật bất tử. Phượng hoàng có vòng đời không bao giờ kết thúc. Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu, Phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân.
Từ trong đám tro tàn, nó sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non. Bằng khả năng tái sinh này Phượng hoàng đã trở thành biểu tượng của cả sự sống và cái chết.
Khi kết hợp với Rồng thì Rồng Phượng sẽ là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi. Và đây cũng chính là nguồn gốc hình thành nên tráp Rồng Phượng trong ngày cưới của người Việt Nam ta.
Như vậy, bộ Tứ linh mang ý nghĩa tâm linh và phong thủy vô cùng sâu sắc. Do đó, việc trưng bày tượng bốn con linh vật này trong nhà không chỉ thể hiện sự trang trọng, quý phái mà còn mang đến may mắn cho gia chủ. Theo quan niệm phong thủy, đặt Tứ linh đúng chuẩn, hợp tuổi sẽ giúp ngăn chặn tà khí xâm nhập, trấn trạch và mang đến may mắn, bình an cho gia đình.
Trên đây là tất cả những thông tin về Tứ linh (tứ đại thần thú trong truyền thuyết). Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn đang quan tâm đến bốn loài linh vật này.