Biển báo công trình xây dựng và những điều bạn cần biết

Biển báo công trình xây dựng là một trong những loại biển báo cực kỳ quan trọng. Giúp người đi đường cẩn trọng hơn khi đi qua những khu vực nguy hiểm, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Luật Xây dựng 2014 cũng có quy định chủ đầu tư có trách nhiệm phải lắp biển báo công trình tại công trường đang xây dựng và phải có đầy đủ thông tin về dự án, chủ đầu tư trên biển báo. Để tìm hiểu thêm về loại biển báo này, hãy tham khảo bài viết dưới đây!

Biển báo công trình xây dựng là gì? 

Biển báo công trình xây dựng và những điều bạn cần biết

Biển báo công trình xây dựng được hiểu là những biển báo mà trên đó chứa các ký hiệu về an toàn lao động. Biển báo này được đặt phía trước các công trình đang thi công nhằm mục đích báo hiệu cho những người đi đường nhận biết được đang có công trình xây dựng ở gần đó. Với mục đích giúp họ chú ý an toàn, chủ động giảm tốc độ hoặc chọn đường đi phù hợp hơn để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Bên cạnh đó, biển báo cũng có thể được đặt ở bên trong công trình với mục đích nhắc nhở người lao động hãy chú ý an toàn.

Văn bản quy phạm pháp luật về biển báo công trình xây dựng

  • Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc hội được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (Gọi tắt là “Luật Xây dựng 2014”);
  • Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (Gọi tắt là “Nghị định 16/2022/NĐ-CP”);
  • Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Quy định của pháp luật về lắp đặt biển báo công trình xây dựng

Quy định về việc lắp đặt biển báo công trình xây dựng sẽ có sự khác nhau nhất định giữa biển báo đặt bên ngoài công trình và biển báo đặt bên trong công trình, cụ thể như sau:

Quy định đối với biển báo đặt bên ngoài công trình xây dựng

  • Đối với biển báo I.441(a,b,c) (Báo hiệu phía trước có công trình xây dựng đang thi công): Phải được đặt tại cả hai đầu đoạn thi công ở các khoảng cách 500m, 100m, 50m. Biển báo này phải được đặt trước biển báo I.440 (Đoạn đường thi công) để báo hiệu trước cho người đi đường.
  • Đối với biển báo W.277 (Biển báo công trường) và biển báo P127 (Tốc độ tối đa cho phép): Hai biển này phải được đặt ở đầu đoạn đường, đính kèm biển là mũi tên chỉ hướng di chuyển, các biển báo đi chậm.
  • Đối với biển báo P.124 (Hết hạn chế tốc độ tối đa): Biển này cần được đặt tại vị trí kết thúc đoạn đường đang thi công.

Quy định đối với biển báo bên trong công trình xây dựng

Không những bên ngoài công trình mà bên trong công trình cũng có rất nhiều khu vực nguy hiểm mà cần người lao động đặc biệt chú ý. Bởi vậy các biển báo bên trong công trình xây dựng cần được đặt tuân theo quy định như sau:

Đối với nhóm biển báo cấm:

  • Biển báo cấm vào: Phải được đặt tại đầu phạm vị công trình để cấm tất cả người và phương tiện vào trong nơi đang thi công trừ những người có nhiệm vụ.
  • Biển báo cấm người vào: Đây là loại biển báo cấm người vào trong công trình đang thi công nhưng không cấm các loại phương tiện hay máy móc vào.
  • Biển báo cấm phương tiện và các thiết bị đi vào: Đây là loại biển được đặt ở những nơi thi công có nền đất yếu, dễ sạt lở, … để cấm các phương tiện và thiết bị vào nhưng không cấm người.
  • Biển cấm hút thuốc: Loại biển báo này được đặt ở những nơi dễ gây cháy nổ, trong phòng điều hòa, phòng kín.
  • Biển cấm điện thoại: Loại biển báo này được đặt ở nơi chứa xăng, dầu hoặc nơi chưa các thiết bị thông tin liên lạc của công trình xây dựng.

Đối với nhóm biển báo nguy hiểm:

  • Biển báo nguy hiểm chung: Loại biển báo này được đặt ở bất kì vị trí nào mà nguy hiểm có nguy cơ xảy ra để mọi người có thể cảnh giác, đề phòng.
  • Biển báo nguy hiểm cháy nổ: Loại biển báo này được đặt ở nơi mà cháy nổ có nguy cơ xảy ra.
  • Biển báo nguy hiểm điện giật: Loại biển báo này được đặt ở nơi mà sự rò rỉ gây ra giật điện có nguy cơ xảy ra.
  • Biển báo nguy hiểm khi làm việc với máy móc: Loại biển báo này được đặt ở nơi  là vị trí sử dụng máy móc và các thiết bị chung.
  • Biển báo nguy hiểm về vị trí cẩu: Loại biển báo này được đặt ở nơi đang cẩu đồ vật lên, có thể bị rơi rớt cần phải đề phòng.
  • Biển báo nguy hiểm trượt ngã: Loại biển báo này được đặt ở những nơi như cầu thang, vị trí trơn, dễ ngã.

Đối với nhóm biển báo bắt buộc:

  • Biển báo bắt buộc đội mũ bảo hiểm:  Loại biển báo này có nghĩa bất kỳ ai khi đi vào trong công trình đều phải đội mũ bảo hộ và được đặt ở vị trí đầu công trình.
  • Biển báo bắt buộc đeo dây an toàn: Loại biển báo này có nghĩa công nhân khi làm việc ở công trình cần phải đeo dây an toàn và được đặt ở nơi làm việc trên cao.

Đối với nhóm biển báo nhắc nhở, chỉ dẫn:

  • Biển báo nhắc nhở an toàn: Loại biển báo này có thể được đặt ở bất kì vị trí nào tại công trình.
  • Biển báo nhắc nhở nguy cơ cháy nổ: Loại biển báo này được đặt ở những vị trí có nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Những nội dung cần có trên biển báo công trình xây dựng

Theo Khoản 1 Điều 109 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xây dựng 2020 thì biển báo công trình xây dựng được quy định như sau: Chủ đầu tư công trình xây dựng phải có trách nhiệm lắp đặt các loại biển báo công trình cần thiết tại công trường xây dựng, trừ những trường hợp là nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn 07 tầng.

Theo đó, trên biển báo công trình xây dựng cần phải có những nội dung sau:

  • Tên, quy mô công trình xây dựng;
  • Ngày khởi công và hoàn thành công trình xây dựng;
  • Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư công trình, tổ chức thiết kế xây dựng, nhà thầu thi công và các cá nhân hoặc tổ chức giám sát thi công xây dựng;
  • Bản vẽ phối cảnh công trình xây dựng.

Xử phạt đối với vi phạm về việc lắp đặt biển báo công trình xây dựng

Như đã nêu trên, chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt các biển báo cần thiết tại công trường xây dựng.Trường hợp không thực hiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo Điểm c Khoản 8 Điều 16/2022/NĐ-CP, chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc phải lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, trong trường có thanh tra, đoàn thanh tra phát hiện chủ đầu tư không lắp đặt biển báo công trình xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật, thì đoàn thanh tra sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư. 

Như vậy, để góp phần đảm bảo an toàn cho người đi đường và cả người lao động thì việc lắp đặt các loại biển báo công trình xây dựng tại công trường đang thi công là việc làm hết sức cần thiết. Do đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, những người tham gia thi công xây dựng công trình cũng phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc an toàn tại nơi làm việc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng bản thân.

Trên đây là những thông tin liên quan đến biển báo công trình xây dựng mà chúng tôi gửi đến bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về các quy định liên quan đến biển báo công trình xây dựng

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *